Thiếu sàn giao dịch công nghệ chuyên nghiệp
Luật Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã có những quy định, về cơ chế hoạt động mua, bán công nghệ, vai trò của các tổ chức hỗ trợ chuyển giao… Bộ Tài chính đã có Thông tư số 06/2014/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về tài sản vô hình, nhưng cũng chỉ là những nguyên tắc cơ bản và chưa đi sâu vào các điểm đặc thù khi đánh giá giá trị công nghệ, kết quả nghiên cứu. Do đó, việc định giá công nghệ hiện nay vẫn phụ thuộc vào cơ chế thị trường, thay đổi theo thời điểm cho nên rất ít những tổ chức có năng lực thực hiện dịch vụ hỗ trợ định giá, thẩm định giá tài sản vô hình. Trong lĩnh vực định giá về công nghệ, tài sản trí tuệ, chưa có bộ tiêu chuẩn thẩm định giá; việc định giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như biến động thị trường, phạm vi chuyển giao quyền, tình trạng bảo hộ, bằng độc quyền và mức độ khan hiếm. Để thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, ngày 17-12-2014, Bộ KH và CN phối hợp Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC về định giá tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Nhưng, khi triển khai vẫn thiếu những chuyên gia vừa am hiểu về công nghệ và kỹ thuật vừa có chuyên môn về định giá, thị trường công nghệ…
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN) cho rằng, hiện nay cơ chế phân chia lợi ích đã bắt đầu hình thành trong việc thương mại hóa tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu kể cả đối với đối tượng hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo Thông tư số 15/2013/TT-BKHCN ngày 13-6-2013 của Bộ KH và CN, các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH và CN như viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp tư nhân có quyền gửi đơn đề nghị Nhà nước giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho họ nhằm mục đích thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó; được đề xuất cơ chế phân chia lợi ích cho tác giả, người môi giới, tổ chức chủ trì và Nhà nước khi thương mại hóa thành công. Nhưng để Nhà nước giao đúng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu thì lại liên quan đến việc xác định giá trị tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu đó. Nhất là việc có thể xác định được giá trị tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu đóng vai trò quan trọng giúp tổ chức khi nhận tài sản có thể dùng làm vốn ban đầu khi thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn với doanh nghiệp, tổ chức khác. Để giải quyết được nhu cầu này, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH và CN đã kết hợp với các địa phương, viện, trường đào tạo đội ngũ tư vấn viên, hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu. Qua đó, hỗ trợ các cơ quan quản lý kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước giao cho doanh nghiệp, các tổ chức KH và CN khai thác và thương mại hóa. Việc hình thành các tổ chức trung gian có năng lực chuyên nghiệp về định giá công nghệ sẽ đưa các hoạt động kết nối, cung cầu trực tuyến, sàn giao dịch, chợ công nghệ được triển khai, giúp doanh nghiệp mua, bán công nghệ, không lo bị đắt, lạc hậu.
Cả nước chỉ có tám sàn giao dịch công nghệ là đầu mối tập hợp nguồn lực KH và CN, nhưng đang hoạt động khá “ì ạch”, vẫn còn tình trạng người mua phải nhập công nghệ cũ với giá cao, người bán không biết bán ở đâu, cho ai. Đây là thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường công nghệ khi cung - cầu không tìm được nhau do thiếu một tổ chức trung gian uy tín để trao đổi thông tin, liên kết. Bộ KH và CN đã tổ chức nhiều hội chợ công nghệ, kết nối cung-cầu, tạo một “sân chơi” cho tổ chức, cá nhân muốn mua, bán, tư vấn công nghệ gặp gỡ, trao đổi. Tuy nhiên, đánh giá từ các chuyên gia về lĩnh vực này cho thấy, khâu yếu nhất trong thị trường công nghệ vẫn là các định chế trung gian, cầu nối chuyên nghiệp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Vẫn chưa có các tổ chức tư vấn, đánh giá, giám định, sàn, trung tâm giao dịch công nghệ chuyên nghiệp, hiểu được nhu cầu của cả bên mua lẫn bên bán, bảo đảm quyền lợi cao nhất khi chuyển giao công nghệ.
Theo TS Phạm Hồng Quất, thị trường KH và CN dù khá “non trẻ” nhưng đã có những bước phát triển hết sức tích cực trong thời gian qua. Bộ KH và CN đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản giúp các hoạt động giao dịch công nghệ được bảo trợ và thừa nhận. Nhiều điều khoản trong Luật KH và CN đã chú trọng phát triển các tổ chức trung gian, định chế trung gian dưới các hình thức khác nhau, nhất là chính thức phát triển các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ, tổ chức xúc tiến, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ chuyển giao, định giá công nghệ, các cơ sở ươm tạo… Các sàn, trung tâm giao dịch điện tử, chợ công nghệ đang được đẩy mạnh việc giới thiệu công nghệ, giải pháp và thường xuyên cập nhật, đổi mới sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để hình thành và phát triển thị trường công nghệ. Tuy nhiên, Nhà nước cần có thêm các chính sách ưu đãi để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp KH và CN, gắn kết được lợi ích giữa người sáng tạo và tổ chức, cá nhân sử dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý và công tác thanh tra trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi gian lận, vi phạm pháp luật… Có cơ chế khuyến khích viện, trường nghiên cứu công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất. Có như vậy, thị trường sẽ được hình thành và phát triển tự nhiên, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện giao dịch, đổi mới công nghệ.