Gia nhập WTO- ngành chăn nuôi heo bị tác động mạnh
Việt Nam hiện có 3,8 triệu con heo nái, mỗi năm sản xuất 26 triệu heo thịt, tương đương 2,2 triệu tấn thịt. Trong đó 50% số heo được sản xuất từ quy mô hộ gia đình, 40% từ quy mô trung bình (thâm canh hoặc bán thâm canh) và 10% từ quy mô công nghiệp. Hệ thống chăn nuôi heo ở nước ta tồn tại ba phương thức, bao gồm nuôi heo nái sinh sản để bán heo con cai sữa; nuôi heo thịt không tự túc con giống và nuôi heo thịt tự túc con giống. Phương thức chăn nuôi thứ nhất và thứ ba thường chuyển dịch lẫn nhau. Vì trong trường hợp không bán được heo con cai sữa, người chăn nuôi phải tiếp tục nuôi cho đến ngày xuất chuồng. Phương thức chăn nuôi thứ 2 có ưu thế là có thể dự báo thị trường và chủ động về thời gian đầu vào, có thể bỏ trống chuồng khi không thuận lợi, không bị rủi ro cho chi phí nuôi heo nái, tuy nhiên khó khăn là không chủ động nguồn con giống.
Quá trình dịch chuyển quy mô đàn trong chăn nuôi heo ở nước ta sẽ xảy ra tương tự như các nước phát triển. Biến đổi nhanh và mạnh mẽ nhất vẫn là khu vực các trại chăn nuôi quy mô trung bình. Dưới tác động của giá cả, dịch bệnh, sức ép người tiêu dùng đòi hỏi loại hình này cần phải thay đổi quy mô, tăng đầu tư khoa học kỹ thuật để có thể tồn tại. Hoặc thay đổi phương thức sản xuất bằng cách chuyển từ chăn nuôi heo thịt tự túc con giống sang chăn nuôi heo thịt không tự túc con giống quy mô lớn dưới hình thức gia công trong một chuỗi sản xuất. Hoặc chuyển hướng sang sử dụng nguồn giống heo địa phương để sản xuất các sản phẩm thịt heo chất lượng cao bằng phương pháp nuôi thâm canh có kiểm soát chặt chẽ. Do vậy đòi hỏi mạnh mẽ từ phía người chăn nuôi ở đây là xác định tính đặc thù về mặt chất lượng thịt của các giống heo địa phương. Tổ chức chọn lọc, nhân giống và thương mại sản phẩm thịt heo địa phương.
Chăn nuôi quy mô hộ gia đình vẫn còn tồn tại và ít chịu tác động rủi ro của đầu vào, nhưng khả năng tham gia thị trường của sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực này sẽ giảm mạnh do lợi nhuận của thương lái (chi phí thu gom, vận chuyển, kiểm dịch và chất lượng). Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ hộ chăn nuôi nhỏ chủ yếu là tại chỗ. Mỗi khi kinh tế nông thôn chưa phát triển, thì chăn nuôi nhỏ vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho người dân. Gia nhập WTO sẽ tạo cơ hội lớn về việc làm, thu hút một lượng lớn lao động khỏi khu vực nông thôn sẽ làm giảm đáng kể lượng thực phẩm tiêu thụ tại chợ nông thôn, đồng thời cũng giảm số hộ chăn nuôi theo phương thức tận dụng do giảm cơ học về dân số.
Chăn nuôi công nghiệp bằng các giống cao sản nhập ngoại là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho các thành phố lớn hiện nay và người tiêu dùng cả nước cũng như XK trong tương lai. Khả năng phát triển và chuyển dịch theo hướng chăn nuôi heo công nghiệp của nước ta trước mắt phụ thuộc rất lớn vào thị trường của các thành phố lớn và có thể là đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt sau khi gia nhập WTO. Trong đó chúng ta đang gặp phải hai yếu tố bất lợi chính là giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dịch bệnh lở mồm long móng và hoóc môn kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi. Để giữ vững thị trường, tạo đà cho quá trình chuyển dịch sang nền chăn nuôi công nghiệp bền vững cần phải có sự nỗ lực mạnh mẽ của tất cả các nhà chăn nuôi heo và cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc gia nhập WTO không có nghĩa là bất kỳ ai, nhập khẩu với số lượng bao nhiêu và bán với bất kỳ giá nào cũng được. Tại sao tại Nhật Bản 4 USD/1kg gạo giá bán lẻ, 300 USD/con heo 100kg giá tại cổng trại (gấp hai lần giá tại Mỹ) và nhiều mặt hàng nông sản khác với giá rất cao, nhưng trong nhiều năm qua Nhật Bản chỉ nhập đủ số lượng nông sản thiếu hụt do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ. Tại sao thịt bò Kobe với giá cao ngất mà không có một loại thịt bò nhập khẩu nào có thể thay thế, phải chăng tính đặc thù riêng của giống địa phương mà người Nhật đã nghiên cứu, phát triển và thương mại được sản phẩm thịt bò Kobe trong nhiều năm qua. Điều này đáng để ngành chăn nuôi Việt Nam nghiên cứu và kế thừa kinh nghiệm của họ.